Bộ Giáo dục: Không cần chứng chỉ ngoại ngữ để xét thăng hạng giáo viên

Bộ trả lời VnExpress như trên, hôm 18/5, sau khi một số giáo viên tại Hà Nam bức xúc vì Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ để xét thăng hạng.

Bộ cho biết trước năm 2021, đây là tiêu chí bắt buộc, song đã được bỏ. Thay vào đó, thầy cô chỉ cần “có khả năng” sử dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ trong hoạt động nghề nghiệp và theo yêu cầu vị trí việc làm.

Điều chỉnh này để phù hợp với quy định về chuẩn đầu ra ngoại ngữ và nghị quyết của Quốc hội năm 2019, tương tự với công chức, viên chức ngành khác.

Nếu không dùng chứng chỉ, hiệu trưởng có thể xác nhận vào biên bản đánh giá, nhận xét về khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn của thầy cô. Biên bản này do tổ chuyên môn hoặc tổ bộ môn lập.

Trường hợp chuẩn đầu ra ngoại ngữ trong bằng tốt nghiệp của giáo viên cao hơn tiêu chuẩn mà vị trí việc làm yêu cầu, các trường có thể dùng thêm căn cứ này.

“Như vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam có thể căn cứ chuẩn đầu ra về ngoại ngữ của nơi cấp bằng tốt nghiệp cho giáo viên, hoặc phối hợp với cơ sở đào tạo để xác định”, Bộ cho biết.

Trước đó, hôm 5/5, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nam Phạm Anh Tuấn cho hay đã dừng nhận hồ sơ xét thăng hạng để đợi hướng dẫn của Bộ.

Giáo viên trong một tiết học Ngữ Văn lớp 6, tường THCS Nguyễn Huệ (TP Đà Nẵng), tháng 11/2024. Ảnh: Nguyễn Đông

Giáo viên trong một tiết học Ngữ Văn lớp 6, trường THCS Nguyễn Huệ, TP Đà Nẵng, tháng 11/2024. Ảnh: Nguyễn Đông

Giáo viên hiện được xếp theo hạng I, II, III, là căn cứ để tính lương và phụ cấp. Tương ứng từng hạng có 8-10 bậc lương (hệ số lương), thông thường mỗi ba năm công tác tăng một bậc.

Hiện, cả nước có hơn một triệu giáo viên. Sau khi cộng các loại phụ cấp, lương thực nhận của họ khoảng 5,8-30 triệu đồng một tháng.

Thanh Hằng

Theo VNExpress
error: Nội dung được bảo vệ
0823 86 5858
chat-active-icon