Nội dung trên nằm trong chương trình phát triển nguồn giảng viên, nhà khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU) giai đoạn 2026-2031, công bố tối 21/5. VNU chưa nêu chi tiết các yêu cầu với ứng viên.
Sau tuyển chọn, nhóm này được ký hợp đồng đào tạo hoặc hợp đồng lao động, có thể được gửi đi đào tạo ở nước ngoài, cùng tài trợ một phần hoặc toàn bộ học phí, sinh hoạt phí.
Một số đại học cam kết hỗ trợ VNU đào tạo giảng viên như Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), Tokyo, Kyoto (Nhật Bản), Thanh Hoa, Bắc Kinh (Trung Quốc), Paris-Saclay (Pháp), Học viện Ngoại giao Moskva (Nga)…
Ngoài ra, các ứng viên được hỗ trợ học ngoại ngữ, chỗ ở, sử dụng các nguồn học liệu, cơ sở vật chất, được hướng dẫn chuyên môn, tham gia mạng lưới các nhà khoa học trẻ trong và ngoài nước do VNU thiết lập.
Họ được tuyển dụng chính thức làm giảng viên, nghiên cứu viên sau khi hoàn thành chương trình và đáp ứng các tiêu chuẩn. Ứng viên sẽ bị loại nếu kết quả học tập dưới mức khá.
Sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: VNU
Tính đến hết năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội có 2.730 là giảng viên, cán bộ khoa học cơ hữu. Trong đó, 65,4% có trình độ tiến sĩ, 32,8% là thạc sĩ.
Việc ban hành chương trình phát triển nguồn giảng viên, nhà khoa học được VNU kỳ vọng sẽ giúp phát triển đội ngũ kế cận có trình độ cao, đáp ứng tiêu chuẩn hội nhập, làm nòng cốt cho các lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học công nghệ, lĩnh vực ưu tiên chiến lược của đại học này.
Dương Tâm