Trong khuôn khổ chương trình giám sát và hỗ trợ triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã đến làm việc tại tỉnh Bắc Kạn để nghiên cứu thực tiễn tổ chức thực hiện nội dung Giáo dục địa phương (GDĐP). Qua khảo sát, Bắc Kạn được ghi nhận là một trong những địa phương triển khai bài bản, đồng bộ và phù hợp với điều kiện địa phương, đặc biệt là trong bối cảnh một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn. Thầy Nguyễn Phú Tuấn – Tiến sĩ – Nhà giáo ưu tú – Tổng chủ biên sách GDĐP tỉnh Bắc Kạn đánh giá: “Bắc Kạn thực hiện rất bài bản về cách thức tổ chức thực hiện nội dung GDDP trong Chương trình GDPT 2028”.Ông Đoàn Văn Hương – Phó GĐ Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Kạn,
Chủ trì cuộc họp triển khai kế hoạch nghiên cứu thực tiễn Giáo dục địa phương trên địa bàn tỉnh
1. Biên soạn và phê duyệt tài liệu GDĐP
Bắc Kạn đã thành lập Ban Biên soạn và Hội đồng thẩm định tài liệu GDĐP theo đúng quy trình hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Nội dung tài liệu được xây dựng phong phú, bao gồm các lĩnh vực như: văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường và hướng nghiệp, nhằm đảm bảo học sinh hiểu biết sâu sắc về quê hương, phát huy giá trị văn hóa bản địa và gắn kết với cộng đồng.
Tài liệu được thiết kế linh hoạt, phù hợp với từng cấp học, đảm bảo tính liên thông, mở và có khả năng cập nhật. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả, tỉnh cần tăng cường phối hợp giữa các phòng giáo dục, trường học và chuyên gia nhằm rút ngắn thời gian biên soạn, thẩm định và in ấn, đảm bảo tài liệu được phát hành kịp thời phục vụ giảng dạy.
Hội thảo khoa học “Những khó khăn, bất cập trong thực hiện nội dung GDĐP cho học sinh phổ thông ở tỉnh Bắc Kạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018”
2. Tổ chức dạy học nội dung GDĐP
Nội dung GDĐP tại Bắc Kạn được tích hợp chủ yếu trong hoạt động trải nghiệm và một số môn học khác với thời lượng khoảng 35 tiết/lớp/năm học. Giáo viên được phân công giảng dạy theo chuyên môn, đồng thời xây dựng các chủ đề dạy học liên môn, giúp học sinh dễ dàng liên hệ kiến thức sách vở với thực tiễn đời sống địa phương.
Sự linh hoạt trong việc tổ chức dạy học giúp học sinh tăng tính chủ động, sáng tạo và hiểu sâu hơn về truyền thống văn hóa cũng như điều kiện kinh tế – xã hội của tỉnh.
3. Đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên
Bắc Kạn đặc biệt chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên về nội dung và phương pháp giảng dạy GDĐP. Sở GD&ĐT đã cử giáo viên cốt cán tham gia các lớp bồi dưỡng, đồng thời tổ chức hướng dẫn xây dựng kế hoạch giảng dạy, kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh.
Tỉnh cũng khuyến khích giáo viên học tập nâng cao trình độ, đăng ký văn bằng hai hoặc bổ sung kiến thức liên quan đến nội dung GDĐP để đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Các đại biểu dự giờ nội dung Giáo dục địa phương, Tại Trường TH-THCS Yến Dương, huyện Ba Bể, Bắc Kạn.
4. Kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh nội dung GDĐP
Việc đánh giá GDĐP được tỉnh Bắc Kạn thực hiện định kỳ thông qua bài thực hành, dự án học tập. Kết quả đánh giá không chỉ phản ánh năng lực của học sinh, mà còn là cơ sở để các đơn vị điều chỉnh, cập nhật tài liệu giảng dạy một cách phù hợp.
Sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp quản lý giáo dục là yếu tố quan trọng, góp phần tạo điều kiện về cơ chế, chính sách và nguồn lực để các cơ sở giáo dục tổ chức hiệu quả nội dung GDĐP.
Kết luận
Việc thực hiện hiệu quả Giáo dục địa phương tại Bắc Kạn trong Chương trình GDPT 2018 là minh chứng cho sự quyết tâm đổi mới giáo dục theo hướng toàn diện và phát huy tính đặc thù vùng miền. Những giải pháp đang triển khai, nếu tiếp tục được thực hiện đồng bộ và có chiều sâu, sẽ giúp Bắc Kạn không chỉ khắc phục những khó khăn hiện tại, mà còn nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần phát triển bền vững tỉnh nhà trong tương lai./.
La Trần Thùy Trang – Bắc Kạn