Quy định mới về đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số

-Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 09/2023/TT-BGDĐT ngày 18/4/2023 quy định việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số.

Tuyển sinh vào học chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số; cán bộ, công chức, viên chức và sĩ quan, chiến sĩ trong lực lượng công an, quân đội đang công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo đó, văn bản này quy định việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số. Quy định này áp dụng đối với các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng có ngành đào tạo giáo viên và các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên thực hiện nhiệm vụ tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số); các Sở Giáo dục và Đào tạo, các tổ chức và cá nhân có liên quan.

Điều kiện đối với cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số

Thông tư quy định, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng có ngành đào tạo giáo viên phải đáp ứng các điều kiện sau:

1- Đội ngũ giảng viên có trình độ đại học trở lên thuộc nhóm ngành ngôn ngữ, văn học và văn hóa Việt Nam đồng thời có hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa dân tộc thiểu số phù hợp với chương trình dự kiến tổ chức đào tạo, bồi dưỡng;

2- Chương trình chi tiết và tài liệu đào tạo, bồi dưỡng được xây dựng theo Chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

3- Cơ sở vật chất, thư viện, phòng học, phòng chức năng, phòng thực hành và các thiết bị khác đáp ứng yêu cầu chương trình đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số;

4- Có đề án tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số.

Đối với trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên phải đáp ứng các điều kiện sau: Đội ngũ giáo viên có trình độ cao đẳng trở lên; có chứng chỉ đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số hoặc có hiểu biết về ngôn ngữ, văn hóa dân tộc thiểu số phù hợp với chương trình dự kiến bồi dưỡng; Chương trình chi tiết và tài liệu bồi dưỡng được xây dựng theo Chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo và được cơ quan có thẩm quyền ban hành; Cơ sở vật chất, thiết bị, phòng học đáp ứng yêu cầu chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số; Có đề án tổ chức bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số.

Đối tượng tuyển sinh, hình thức tổ chức đào tạo

Tuyển sinh vào học chương trình đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số đối với công dân Việt Nam có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên hoặc bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm; nói được tiếng dân tộc thiểu số của chương trình đào tạo. Ưu tiên tuyển sinh đối với người dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm thường trú ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Tuyển sinh vào học chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với công dân Việt Nam là người dân tộc thiểu số; cán bộ, công chức, viên chức và sĩ quan, chiến sĩ trong lực lượng công an, quân đội đang công tác ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hình thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng: Tổ chức đào tạo theo hình thức tập trung đối với chương trình đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số; tổ chức bồi dưỡng theo hình thức tập trung, bán tập trung hoặc từ xa đối với chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số.

Kiểm tra, đánh giá: Cơ sở đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số tổ chức kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ để đánh giá quá trình học tập của học viên; mỗi cụm bài (khoảng 30 – 45 tiết) phải có bài kiểm tra thường xuyên, bài kiểm tra định kỳ được quy định trong chương trình chi tiết.

Thi cuối khóa: Học viên dự thi cuối khoá cần đảm bảo các điều kiện sau: Đạt điểm trung bình chung các bài kiểm tra (điểm kiểm tra thường xuyên có hệ số 1, điểm kiểm tra định kỳ có hệ số 2) từ 5,0 trở lên tính theo thang điểm 10, không có bài kiểm tra nào dưới 2,0 điểm; không nghỉ học quá 20% số tiết so với tổng số tiết của chương trình; Bài thi cuối khóa có lượng kiến thức, kỹ năng theo quy định tại các Chương trình khung tiếng dân tộc thiểu số do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Thời gian thi cuối khóa đối với chương trình đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số là 120 phút, đối với chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số là 90 phút cho 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết; cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng có ngành đào tạo giáo viên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số chịu trách nhiệm tổ chức thi cuối khóa cho học viên.

Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thi cuối khóa cho học viên học chương trình bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số tại trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên thuộc phạm vi quản lý.

TẬP ĐOÀN GIÁO DỤC VNI

Điện thoại: 0822 86 5858 – 0823 86 5858

Trụ sở chính: Số 89, Hồ Tùng Mậu, P. Mai Dịch, Q. Cầu Giấy, Thành Phố Hà Nội

Văn phòng tuyển sinh: Số 475, Hoàng Quốc Việt, P. Cổ Nhuế 1, Q. Bắc Từ Liêm

Văn phòng tuyển sinh: Số 71, Cộng Hòa, P.4, Q. Tân Bình Thành Phố Hồ Chí Minh

Văn phòng tuyển sinh: Số 68, đường Lê Hồng Phong, Thành Phố Bắc Giang

Nguồn: Cổng thông tin điện tử chính phủ

Để lại một bình luận

error: Nội dung được bảo vệ